Cao tốc gần 10.000 tỷ đồng sẽ có 3 hầm xuyên núi, cầu dây văng nhịp chính dài nhất Việt Nam
Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc hứa hẹn tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hoà Bình, Sơn La và vùng Tây Bắc.
Cao tốc phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 6
Đầu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định phê duyệt dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 34km có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng được đầu tư công, sử dụng vốn bố trí từ Chương trình phục hồi phát triển – kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường thuộc dự án được thiết kế vận tốc 80km/h, quy mô 04 làn xe, bề rộng nền đường 22m.
Về đoạn đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, hồi đầu tháng 3, UBND tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này.
Theo dự kiến, nếu cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu được hoàn thành, quãng đường từ Hà Nội đến Vân Hồ, Mộc Châu sẽ được giảm xuống chỉ còn khoảng 2/3 và thời gian từ 6 giờ chỉ còn 2,5 giờ.
Bên cạnh đó, dự án còn bổ sung sự lựa chọn di chuyển từ Hà Nội đến các huyện Đà Bắc, Mai Châu và Mộc Châu tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng độc đạo của Quốc lộ 6 trước kia tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La và vùng Tây Bắc.
Hiện tại, con đường ngắn nhất dẫn khu khách đến với Mộc Châu là Quốc lộ 6. Tuy nhiên, tuyến đường này có nhiều đoạn nhỏ hẹp, nhiều đoạn ngoằn ngoèo, đèo dốc. Bên cạnh đó, mùa đông có sương mù bao phủ, hạn chế tầm nhìn của tài xế, mùa mưa lại thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khiến du khách ái ngại chưa chọn một số tỉnh vùng Tây Bắc làm điểm đến.
Tuyến cao tốc có 3 hầm xuyên núi, cầu dây văng nhịp chính dài nhất Việt Nam
Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu có tổng chiều dài là 83 km với điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La giai đoạn 1 được dự kiến sẽ khởi công trong năm nay 2024.
Tuyến đường đi qua đoạn Hòa Bình có chiều dài xây dựng khoảng 34km, đi qua vùng địa hình rất hiểm trở và có địa chất phức tạp.
Đặc biệt, trong dự án có cầu Hòa Sơn bắc qua sông Đà tại thượng lưu hồ Hòa Bình là cầu dây văng có nhịp chính theo thiết kế dài 550m. Khi hoàn thành, cầu Hòa Sơn sẽ trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam cùng với cầu Cần Thơ bắc qua Sông Hậu hiện nay.
Cầu Hòa Sơn nằm ở đoạn từ Km19 đến km53 của tuyến cao tốc, là cây cầu vượt lòng hồ sông Đà, nằm ở phía thượng lưu hồ thủy điện Hòa Bình và cách khoảng 35km đường thủy. Phần chính của nhịp cầu Hòa Sơn được thiết kế dạng cầu dây văng hai mặt phẳng dây. Tổng chiều dài dự kiến là 1.010m.
Được lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, với núi cao hồ sâu, cầu Hòa Sơn có hình tháp cầu vút cao, vuốt nhọn về đỉnh, gợi nhớ về những ngọn núi và cũng thể hiện tinh thần vươn lên và khát vọng chinh phục mạnh mẽ. Họa tiết thổ cẩm cũng được cách điệu đưa vào trụ tháp, khắc họa khía cạnh bản sắc văn hóa của tỉnh nhà.
Bên cạnh cầu Hòa Sơn, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình còn có 3 hầm chui xuyên núi.
Trong giai đoạn hoàn thiện, hầm có quy mô 2 ống hầm độc lập lưu thông 1 chiều, bề rộng mỗi ống hầm là 10 m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 1 ống hầm rộng 10 m bảo đảm bố trí 2 làn xe, đối với hầm dài hơn 500m bố trí hầm lánh nạn bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác. Hệ thống chiếu sáng, thông gió, phòng cháy chữa cháy được thiết kế đồng bộ, theo tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.
Dự án sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đặc thù trong xây dựng cầu đường như đào hầm bằng công nghệ NATM, lắp hẫng, đúc hẫng cân bằng…
Vào tháng 5/2019, dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu chiều dài 83km được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( PPP) với tổng mức 22.294 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do những khó khăn về huy động vốn xã hội hóa để đầu tư cao tốc nên tháng 4/2021 UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng cho phép chia thành 3 đoạn để tỉnh Hòa Bình và Sơn La triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư công.
Tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành quyết định dừng triển khai dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo phương thức PPP và giao UBND các tỉnh Sơn La, Hòa Bình phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp.